Người miền xuôi, biết đến mùa vàng những thửa ruộng thang Hoàng Su Phì, say với miền phong cảnh, nhưng mùa gặt vừa xong, cũng là lúc chủ nhân những thửa ruộng thang cắt một vệt dài trên mặt ruộng, tạo thành rãnh nhỏ, gọi là cắt nước. Rãnh nhỏ ấy rộng chừng hơn gang tay, cắt trên bề mặt ruộng thang, nước trên ruộng rút dần, tụ hết vào rãnh.
Mục đích cắt nước là để những con cá chép ruộng được thả từ khi cấy mạ, sau hơn 3 tháng, mập ú, căng bụng nhờ ăn bông lúa non, tụ vào rãnh cắt, người chủ ruộng chỉ việc thò tay hớt cho xô chậu mang về. Và với người Hoàng Su Phì, cá chép ruộng là một đặc sản của mùa thu, mà chỉ nghe thôi, đã ứa nước miếng vì thèm.
Đến Hoàng Su Phì mùa lúa chín (tháng 08 – 09 – 10), trong mâm cơm đãi khách, món không thể thiếu là cá chép ruộng. Chế biến món ngon này, cách giản đơn và nhanh gọn nhất là chiên giòn.
Do đặc tính sống ở ruộng lúa, nước mặt thấp, tự phát triển bằng thực phẩm nhà trời, thiên nhiên chăm bón, nên ngay từ hình dáng con cá chép đã khác lạ, không dài thon, mà mập ngắn, tròn lẳn, chắc nịch, chỉ lớn cỡ ngón chân cái.
Con cá được để nguyên hiện trạng từ ruộng lên bờ, chẳng cần đánh vảy, lấy ruột, cứ thế bật thẳng vào chảo dầu, đợi đến khi vảy vàng ươm, ấy là đã sẵn sàng ngự lên bàn nhậu.
Giòn tan của vảy cá, rồi ngọt, ngậy, nghiệm kỹ thêm lại thấy bùi bùi từ vị thịt, lại thêm mãn nguyện cùng vài chén đưa cay rượu thóc Nàng Đôn – thứ “nước mắt quê hương” đầy yêu dấu đóng nhãn đặc sản Hoàng Su Phì – quả thực từ cảnh đến tình, cứ gọi là say tất. Cõi nhân gian với ngọt – bùi – cay… thiếu đắng thì quả là sơ sót. Và ở con chép ruộng, do cái việc không làm bộ lòng – cá ruộng Hoàng Su Phì mà làm lòng thì… không ai mua – thế nên khi xực vào đến phần ruột cá, miếng mật đắng nghét nơi đầu lưỡi khi cắn phải, sẽ mang lại trọn vị cay đắng ngọt bùi cuộc đời, chỉ với một trải nghiệm giản đơn cùng con chép ruộng.
Cái đắng vừa trôi khỏi cổ họng, những ngọt bùi lại xô đẩy nhau quay trở lại, có phần lợi hại hơn, thế nên, lên Hoàng Su Phì mùa cắt nước, mùa cá chép ruộng, cứ để ý xem trong mâm cơm, món cá chép bao giờ cũng được đi tàu nhanh, sạch gọn hiện trường trong nháy mắt.
Ngay cả ở phiên chợ sớm Vinh Quang, họp mỗi sáng chủ nhật hàng tuần, các xâu cá chép ruộng chỉ vừa đến chợ đã được người mua chọn lựa, cũng hết hàng nhanh như một cơn gió. Vào cuối mùa gặt, lượng cá nhiều thêm, người Hoàng Su Phì thường xâu thành chuỗi, hun khói, phơi nắng, dành ăn dần. Con chép qua nắng khói ấy lại mang một hương vị hấp dẫn khác.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN